1. Trang chủ
  2. /
  3. Sức khỏe
  4. /
  5. DẤU HIỆU CẢNH BÁO VIÊM LOÉT DẠ DÀY – TÁ TRÀNG. CHỚ CHỦ QUAN!

DẤU HIỆU CẢNH BÁO VIÊM LOÉT DẠ DÀY – TÁ TRÀNG. CHỚ CHỦ QUAN!

Viêm loét dạ dày, tá tràng là một bệnh thường gặp, ở Việt Nam có khoảng 6-7% người dân bị mắc. Nếu không điều trị dứt điểm ngay từ khi mới phát hiện thì viêm loét dạ dày – tá tràng có nguy cơ cao trở thành một bệnh lý mạn tính và để lại các biến chứng nghiêm trọng.

Nguyên nhân dẫn đến viêm loét dạ dày – tá tràng

Viêm loét dạ dày – tá tràng là căn bệnh có tổn thương viêm loét trên niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng. Những tổn thương này xảy ra khi lớp niêm mạc bị bào mòn, từ đó làm hộ ra lớp thành dạ dày và thành tá tràng. 

Có nhiều tác nhân gây viêm loét dạ dày tá tràng, trong đó phải kể đến 5 tác nhân chính: 

Vi khuẩn HP: Vi khuẩn này sống cộng sinh trong dạ dày, trong một số trường hợp chúng gây ra tình trạng viêm loét dạ dày. Vi khuẩn HP có thể lây nhiễm từ người này qua người khác qua con đường ăn uống.

Thuốc chống viêm, giảm đau: Sử dụng những thuốc này dài ngày có nguy cơ viêm loét dạ dày, tá tràng. Do đó, các bác sĩ thường cho bệnh nhân dùng thêm thuốc ức chế tiết acid dạ dày để phòng ngừa viêm loét dạ dày, tá tràng. 

Thuốc giảm đau chống viêm có tác dụng phụ viêm loét dạ dày

Căng thẳng kéo dài: Căng thẳng sẽ làm tăng tiết acid dạ dày khiến cơ quan này dễ bị tổn thương viêm loét. 

Rượu bia, thuốc lá: Sử dụng rượu bia quá mức và hút thuốc lá thường xuyên sẽ gây hại đến dạ dày, thường gặp nhất là viêm loét dạ dày. 

Dấu hiệu cảnh báo viêm loét dạ dày tá tràng

Viêm loét dạ dày, tá tràng giai đoạn đầu có thể chữa khỏi hoàn toàn, tuy vậy nếu để dai dẳng chuyển thành viêm mãn tính thì rất khó điều trị và có nguy cơ nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, chúng ta cần nắm rõ những dấu hiệu cảnh báo để sớm phát hiện ra bệnh: 

Đau bụng: Cơn đau có thể âm ỉ, đau tức hoặc đau quặn bụng theo từng cơn. Cơn đau ở vị trí trên rốn, đôi khi lan ra sau lưng, thường đau sau khi ăn 2-3 tiếng đồng hồ. 

Ợ hơi, ợ chua, nóng rát thượng vị: đây là biểu hiện điển hình trong giai đoạn đầu bị viêm loét dạ dày, tá tràng, do dạ dày tăng tiết acid dạ dày. 

Buồn nôn và đầy bụng: biểu hiện này xuất hiện khi niêm mạc dạ dày tá tràng bị tổn thương một thời gian, hoạt động tiêu hóa diễn ra chậm hơn gây khó tiêu, đầy bụng. Những cảm giác này có thể khiến người mắc bị mất ngủ, khó ngủ, sáng tỉnh dậy sớm. 

 

Buồn nôn, đầy bụng là biểu hiện viêm loét dạ dày, tá tràng

Rối loạn tiêu hóa, táo bón: Viêm loét làm do quá trình tiêu hóa bị rối loạn, bệnh nhân dễ bị táo bón, sụt cân, suy nhược cơ thể. 

Viêm loét dạ dày – tá tràng có thể gây những biến chứng gì?

Bệnh nếu không được điều trị dứt điểm, trở thành bệnh mãn tính thì tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm: 

Xuất huyết tiêu hóa trên: Chảy máu ở vết viêm loét có thể dẫn đến tình trạng mất máu nhiều, nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh nhân có các triệu chứng như chóng mặt, choáng váng, nôn ra máu đỏ hay phân có màu đen.

Hẹp môn vị: các dấu hiệu của hẹp môn vị là nôn mửa, bụng ứ đọng thức ăn cũ và sút cân nhanh.

Thủng dạ dày, tá tràng: bệnh nhân bị đau bụng dữ dội đột ngột.

Khi phát hiện ra mình đang mắc các dấu hiệu cảnh báo bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng, hãy đến ngay các cơ sở y tế, phòng khám hay bệnh viện để được chẩn đoán chính xác bệnh, điều trị sớm để hạn chế những biến chứng không mong muốn. 

Bài viết liên quan