Theo Thống kê một tạp chí Mỹ, có 80% người cao tuổi (từ 65 tuổi) trở lên có ít nhất 1 bệnh mãn tính. 68% mắc 2 bệnh trở lên. Với những con số này, bạn có tự hỏi bản thân cần làm gì để ngăn chặn sự phát triển của bệnh hoặc làm cho các bệnh mãn tính phát triển chậm hơn không?
Dưới đây là 10 bệnh mãn tính ở người cao tuổi đã được thống kê năm 2015. Bạn nên tìm hiểu thật kỹ chúng.
Số 10: Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)
11% người lớn tuổi đã được điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), với hai tình trạng chính: khí phế thũng và viêm phế quản mãn tính. COPD gây khó thở, ho và tức ngực.
Cách đơn giản nhất để ngăn ngừa COPD hoặc làm chậm sự tiến triển của nó là bỏ hoặc tránh hút thuốc. Tránh khói thuốc, khói hóa chất và bụi, những thứ có thể gây kích ứng phổi của bạn.
Nếu bạn đã bị COPD, hãy hoàn thành các phương pháp điều trị mà bác sĩ chỉ định, tiêm vắc xin cúm và viêm phổi theo khuyến cáo của bác sĩ.
Số 9: Bệnh Alzheimer và chứng sa sút trí tuệ
Bệnh Alzheimer là một loại bệnh gây mất trí nhớ. Các yếu tố nguy cơ lớn nhất không thể kiểm soát, bao gồm tuổi tác, tiền sử gia đình và di truyền. Các nghiên cứu đã đề xuất kết hợp những thói quen sau vào lối sống của bạn có thể làm chậm/ngăn ngừa bệnh khởi phát.
- Tập thể dục nhẹ nhàng thường xuyên
- Ngủ đủ 7-8 tiếng/đêm
- Có chế độ ăn uống lành mạnh
Số 8: Trầm cảm
Trầm cảm gây ra cảm giác buồn dai dẳng, bi quan, tuyệt vọng, mệt mỏi, khó đưa ra quyết định, thay đổi cảm giác thèm ăn, mất hứng thú với các hoạt động, v.v.
Các cách để giúp điều trị trầm cảm bao gồm:
- Thư giãn tinh thần bằng cách trò chuyện nhiều hơn
- Chế độ ăn lành mạnh, hạn chế dùng chất kích thích
- Thể dục thường xuyên
- Tìm kiếm bác sĩ tâm lý
Số 7: Suy tim
Suy tim là tình trạng xảy ra khi tim không cung cấp đủ máu và oxy đi nuôi các cơ quan trong cơ thể. Do đó, tim sẽ phình to ra, hoạt động nhanh hơn và nhiều hơn dẫn đến mệt mỏi, choáng váng, buồn nôn và chán ăn. Hãy duy trì thói quen lành mạnh và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Số 6: Bệnh thận mãn tính
Người mắc bệnh thận mãn tính có nguy cơ tiến triển tới suy thận và tim mạch. Do đó, hãy làm những điều sau để ngăn ngừa hoặc giảm bớt triệu chứng:
- Ngăn ngừa tiểu đường và huyết áp cao. Đây là 2 yếu tố nguy cơ lớn gây hại cho thận.
- Phát hiện và điều trị sớm bằng cách thăm khám định kì
Số 5: Bệnh tiểu đường
Tiểu đường xảy ra khi cơ thể kháng hoặc sản xuất không đủ insulin. Insulin là hormon làm giảm đường huyết. Khi mắc tiểu đường, lượng đường trong máu cao dễ dẫn đến bệnh thận, tim mạch hoặc gây mù lòa.
Cách để bạn đề phòng mắc bệnh này:
- Chế độ ăn lành mạnh. Kiểm soát lượng carbohydrate và calo khi nạp vào cơ thể
- Tập thể dục 30p mỗi lần, tuần tập 5 lần
- Giảm 5-7% trọng lượng cơ thể một cách an toàn nếu được chẩn đoán tiền đái tháo đường
Số 4: Bệnh nhồi máu cơ tim
Tình trạng gây ra bởi sự tích tụ của các mảng bám làm hẹp các động mạch dẫn đến tim. Động mạch bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn làm giảm lượng máu giàu oxy đến tim. Điều này có thể gây ra các biến chứng khác như cục máu đông, đau thắt ngực hoặc đau tim.
Những thói quen bạn nên có:
- Hạn chế chất béo bão hòa, đường và muối
- Ngủ đủ giấc 7-8 tiếng mỗi đêm
- Hạn chế tình trạng căng thẳng
- Không hút thuốc
- Tập các bài tập dành riêng cho tim mạch
Số 3: Viêm khớp
Phụ nữ dễ mắc viêm khớp hơn nam giới. Đó là tình trạng đau cứng khớp. Dưới đây là các cách để đề phòng và hạn chế tình trạng đau:
- Tập thể dục đều đặn
- Giữ cân nặng cân đối phù hợp chiều cao
- Hạn chế chấn thương khớp
- Không hút thuốc
- Thường xuyên xoa bóp và vận động khớp nhẹ nhàng
Số 2: Cholesterol cao
Mỡ máu cao là tình trạng xảy ra khi cơ thể dư thừa chất béo xấu dẫn đến động mạch bị tắc nghẽn, có thể dẫn đến bệnh tim.
Các yếu tố về lối sống mà bạn có thể kiểm soát, ngăn ngừa hoặc quản lý cholesterol cao bao gồm:
- Không hút thuốc và uống rượu
- Thể dục mỗi ngày
- Quản lý cân nặng
- Chế độ ăn hạn chế chất béo bão hóa
Số 1: Huyết áp cao
58% người cao tuổi bị tăng huyết áp. Khi tim của bạn bơm nhiều máu, các động mạch hẹp cản trở dòng chảy, đó là lúc bạn bị huyết áp cao, còn được gọi là tăng huyết áp. Sự nguy hiểm của tăng huyết áp không chỉ là bạn có thể mắc bệnh này trong nhiều năm mà không biết. Nó còn có thể gây ra các tình trạng sức khỏe nghiêm trọng khác như đột quỵ và đau tim.
Những điều bạn có thể làm để cố gắng ngăn ngừa hoặc giảm huyết áp cao bao gồm:
- Duy trì cân nặng hợp lý
- Hạn chế xúc động, căng thẳng
- Hạn chế ăn muối và uống rượu
- Tập thể dục hàng ngày
- Đo huyết áp thường xuyên
Kết luận
Những lời khuyên trên có thể giúp bạn tránh hoặc kiểm soát thành công các bệnh mãn tính. Tuy nhiên, cách tốt nhất là bạn nên khám sức khỏe định kì và thường xuyên được theo dõi bởi bác sĩ.