Viêm phổi là một bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ và có thể điều trị dứt điểm trong một thời gian ngắn. Nhưng cũng không hiếm các trường hợp trẻ bị tái đi tái lại nhiều lần. Trẻ bị viêm phổi tái phát có nguy cơ gặp các biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong.
1. Viêm phổi là gì?
Viêm phổi là tình trạng nhu mô phổi bị nhiễm trùng bao gồm viêm phế nang, túi phế nang, ống phế nang và các tiểu phế quản, thường do vi khuẩn, virus và nấm gây nên. Khi các phế nang và đường hô hấp trên chứa dịch nhầy, dịch viêm hoặc mủ sẽ gây ho đờm, khó thở, thở khò khè kèm theo sốt cao.
Viêm phổi là bệnh khá nguy hiểm ở trẻ em
Viêm phổi là một bệnh nguy hiểm và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em trên toàn thế giới, chiếm 14% tổng số ca tử vong dưới 5 tuổi. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm có khoảng 150 triệu đợt viêm phổi ở trẻ em các nước đang phát triển, khu vực Đông Nam Á có số tỷ lệ mắc cao gấp 7 lần các nước phát triển, trong đó có Việt Nam.
2. Nguyên nhân khiến trẻ bị viêm phổi dễ tái phát
Nguyên nhân bệnh viêm phổi
Viêm phổi là căn bệnh thường gặp do vi khuẩn, virus nấm và hợp bào. Theo thống kê, tình trạng viêm phổi do phế cầu chiếm đến 20-45% viêm phổi do vi khuẩn. Bên cạnh đó, trẻ nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV), virus cúm A, B, Adenovirus hay Covid 19 cũng có nguy cơ cao dẫn đến viêm phổi. Trẻ em dưới 5 tuổi thường mắc trung bình từ 5-8 lần nhiễm khuẩn đường hô hấp hàng năm, có thể tiến triển thành viêm phổi và tái đi tái lại nhiều lần.
Vi khuẩn phế cầu là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh viêm phổi ở trẻ nhỏ
Nguyên nhân khiến bệnh viêm phổi của trẻ tái phát nhiều lần:
Do yếu tố môi trường:
- Sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ và độ ẩm khi bước vào thời điểm giao mùa.
- Môi trường sống không hợp vệ sinh: Trẻ sinh hoạt ở nhiều bụi bẩn, không thông khoáng hoặc thường xuyên hít phải khói thuốc.
Do yếu tố dinh dưỡng và chăm sóc trẻ:
- Trẻ bị thiếu vitamin A, D, thiếu kẽm dẫn đến sức đề kháng kém.
- Trẻ không được tiêm phòng các bệnh về đường hô hấp như: Phế cầu, Cúm A, B, Covid.
- Tiếp xúc thời gian dài trong nước lạnh hoặc trẻ bị ra mồ hôi nhiều mà không lau khô kịp thời sẽ làm cho cơ thể và đường hô hấp bị lạnh.
- Sử dụng khác sinh không hợp lý: Các mẹ tự ý mua kháng sinh sử dụng hoặc sử dụng không đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Ngoài ra, nhiều trẻ viêm phổi tái phát do sinh thiếu tháng hoặc bị dị tật bẩm sinh đường thở, thiếu dinh dưỡng từ trong bào thai hoặc khi mới sinh.
3. Mách mẹ một số cách chăm sóc trẻ phòng tránh tái nhiễm
Để hạn chế viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần, trước tiên cha mẹ nên tuân thủ điều trị đúng theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý mua thuốc hay ngừng thuốc.
Ngoài ra, trẻ được chăm sóc đúng cách sẽ giúp tránh viêm phổi tái phát.
- Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và bú mẹ kéo dài đến 2 tuổi để trẻ có sức đề kháng tốt nhất.
- Với trẻ lớn hơn cần cung cấp đầy đủ 4 nhóm thực phẩm ( tinh bột, chất đạm, chất béo, chất xơ) và các vitamin A, D, E.
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường của bé sạch sẽ, thông thoáng.
- Khi thời tiết trở lạnh cần chú ý hơn đến việc chăm sóc trẻ, mặc đồ thoáng mát ban ngày và giữ ấm vào ban đêm. Hạn chế cho bé ra ngoài vào tối muộn hoặc sáng sớm để tránh bị cảm lạnh Giữ ấm cho bé vào mùa đông để tránh cảm lạnh
- Tiêm phòng đầy đủ cho trẻ theo khuyến cáo của Bộ Y Tế, chú ý tiêm phòng các bệnh về đường hô hấp.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm phổi tái phát nhiều lần, cha mẹ nên theo dõi và tìm hiểu nguyên nhân nào gây ra với bé nhà mình, để có biện pháp phòng tránh hiệu quả nhất.