Đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc có thể xảy ra ở hầu hết các đối tượng từ trẻ em cho đến người trưởng thành. Bệnh tuy không nguy hiểm nhưng sẽ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày. Bệnh có lây không và lây truyền qua những đường nào là vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Cùng theo dõi thông tin ngay dưới đây.
Đau mắt đỏ có bị lây không?
Đau mắt đỏ là tình trạng viêm màng trong suốt phía bên ngoài nhãn cầu, thường xuất hiện ở một mắt rồi lan sang cả hai bên mắt. Bệnh thường có các biểu hiện như ngứa mắt, chảy nước mắt, mi mắt sưng nhẹ, hơi đau và có biểu hiện đặc trưng là sưng đỏ vùng kết mạc.
Đau mắt đỏ do nhiều nguyên nhân, nhưng phổ biến nhất là do 2 tác nhân:
- Virus: phần lớn là nhóm Adeno virus
- Vi khuẩn: thường là do vi khuẩn Haemophilus Influenzae, Staphylococcus
Đau mắt đỏ do virus và vi khuẩn có bị lây, thậm chí lây lan nhanh và bùng phát thành dịch nếu không có biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm.
Adenovirus là nguyên nhân chính gây bệnh đau mắt đỏ
Các con đường lây nhiễm đau mắt đỏ
Các loại virus, vi khuẩn có thể lây lan dễ dàng qua dịch tiết mắt, mũi, họng bằng các con đường:
- Tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh: qua dịch tiết nước mắt, dịch hô hấp như nước bọt, nước mũi… bắt tay.
- Tiếp xúc gián tiếp qua không khí: virus, vi khuẩn mắc bệnh phát tán ra ngoài không khí qua hắt hơi, ho có thể lây sang người khác, đặc biệt trong không gian kín.
- Dùng chung đồ vật: dùng chung các đồ cá nhân như khăn mặt, cốc nước, chăn gối với người mắc đau mắt đỏ.
- Tiếp xúc qua bề mặt: cầm, nắm, chạm vào những bề mặt như mặt bàn, tay nắm cửa, nút thang máy có nguy cơ mắc bệnh vì virus gây bệnh có thể sống ở môi trường trong 2 ngày.
Những điểm nóng có khả năng lây nhiễm cao
Đau mắt đỏ không lây truyền khi nhìn vào mắt người bệnh như một số người vẫn hiểu lầm, nhưng có thể lây lan nhanh chóng qua các con đường nêu trên.
Do đó bạn cần chủ động bảo vệ bản thân trong các môi trường có khả năng lây nhiễm cao:
- Những nơi công cộng, mật độ dân cư cao và thường xuyên phải tiếp xúc với người khác ở cự ly gần như: trường học, bệnh viện, bến xe
- Ở những nơi có người bị đau mắt đỏ, trong vòng 1 tuần sau khi người mắc hết triệu chứng thì virus gây bệnh vẫn có khả năng lây truyền.
Trường học là môi trường dễ lây lan bệnh đau mắt đỏ
Cách phòng tránh bị lây nhiễm đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ dễ lây lan và có thể ảnh hưởng xấu đến thị lực nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời. Cách tốt nhất là tránh bị nhiễm bệnh thông qua “ngăn chặn” các con đường có thể phát tán virus, vi khuẩn.
Đối với người khỏe mạnh, nên áp dụng các biện pháp phòng tránh sau:
- Vệ sinh cá nhân đúng cách: đeo khẩu trang khi ở nơi đông người, vệ sinh tay thường xuyên trước khi ăn và sau tiếp xúc với các bề mặt nơi công cộng.
- Hạn chế dùng chung những vật dụng cá nhân: khăn lau mặt, khăn tắm
- Không đưa tay dụi mắt, mũi, miệng và vệ sinh mắt, mũi, miệng bằng nước muối sinh lý hàng ngày.